TÓM TẮT

Dạy học tích hợp là xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Dạy học tích hợp nhằm hình thành ở sinh viên năng lực nhận thức, năng lực phát hiện và giải quyết vấn. Phát triển năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên trường sư phạm là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu về công tác đào tạo trong các trường sư phạm trong giai đoạn mới. Trong bài báo này qui trình phát triển năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên sư phạm và một ví dụ về dự án tích hợp của sinh viên Khoa Hoá học – Trường ĐHSP Huế sẽ được giới thiệu.

1. Mở đầu

          Trong việc đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ, song phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng cao là một chiến lược được quan tâm hàng đầu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trong đó, định hướng tích hợp trong dạy học các môn Khoa học tự nhiên bao gồm Vật lý, Hoá học, Sinh học… ở trung học phổ thông đóng vai trò quan trọng.

          Môn Hoá học có thể tích hợp với các bộ môn khác cũng có nhiều sự liên hệ nhất định như Vật lý, Sinh học, Toán học. Đồng thời phải tăng cường hoạt động tự nghiên cứu của học sinh, tăng cường các giờ thực hành, hoạt động ngoại khoá theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết, xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn với thực tiễn có nội dung vận dụng về các hiện tượng tự nhiên, các trường hợp trong phòng thí nghiệm, trong nhà máy….Để đáp ứng được yêu cầu đó, sinh viên các trường sư phạm cần có sự trang bị về kiến thức cũng như rèn luyện về năng lực dạy học tích hợp.

Hiện nay, trong thực tiễn dạy học khả năng đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp ở sinh viên sư phạm khi họ tập sự cho thấy: sinh viên sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế phổ thông. Chưa kể, chuẩn bị cho cải cách giáo dục sắp tới và thực trạng chất lượng giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay càng đòi hỏi công tác đào tạo trong các trường sư phạm cần có những thay đổi cơ bản. Bên cạnh đó, năng lực dạy học tích hợp của sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế còn nhiều hạn chế không những về nội dung kiến thức tích hợp mà còn về cách tổ chức quá trình dạy học. Để tiếp cận với xu hướng mới, việc phát triển năng lực tích hợp cho sinh viên của trường sư phạm là quan trọng.

2. Triết lý đào tạo giáo viên [2]

Giáo viên là nhà giáo dục làm hai chức năng chính, là: dạy họcgiáo dục học sinh. Trong thực tế đào tạo ở các trường sư phạm và việc đánh giá giáo viên, có xu hướng coi trọng trình độ kiến thức và kỹ năng dạy học môn học cụ thể hơn. Dù dạy họcluôn là hoạt động cơ bản, nhưng giáo viên cũng luôn là nhà giáo dục. Đây là định hướng chính trong việc đào tạo, sử dụng, đánh giá giáo viên. Theo định hướng đó, nhân cách giáo viên được đào tạo gồm hai tiêu chí có quan hệ qua lại: kiến thức khoa học và kiến thức, kỹ năng giáo dục. Trong đó, dạy người thông qua dạy chữ hay dạy người bằng dạy chữ. Như vậy, dạy chữ vừa là mục đích, vừa là phương tiện giáo dục nhân cách học sinh. Đào tạo giáo viên để làm tốt chức năng này. Đó là triết lý đào tạo giáo viên.

Chúng ta thường nói tới vấn đề bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên. Chuyên môn được hiểu là trình độ tri thức về khoa học cơ bản của giáo viên. Trong mục tiêu chương trình đào tạo của trường sư phạm, điều này được xác định bằng câu hỏi: Giáo viên có thể dạy cái gì sau khi tốt nghiệp? Nghiệp vụ được hiểu là đào tạo các tri thức khoa học giáo dục, gồm kiến thức và kỹ năng giáo dục, dạy học. Chương trình đào tạo giáo viên cần trả lời câu hỏi: Giáo viên có thể dạy và giáo dục như thế nào sau khi tốt nghiệp sư phạm? 

          Dù đào tạo theo mô hình nào, người giáo viên phải có một trình độ nhất định về khoa học cơ bản và khoa học về nghiệp vụ sư phạm (gọi tắt là năng lực dạy học, giáo dục). Sơ đồ diễn đạt quan hệ hai lĩnh vực thể hiện như sau:

Sơ đồ bên cho thấy, năng lực dạy học của giáo viên được hình thành thông qua bốn đại lượng. Giáo viên dạy giỏi các môn khoa học là người có kiến thức vững vàng về khoa học và đồng thời phải có tri thức về phương pháp dạy – học môn học đó. Các trường sư phạm phải thiết kế mô hình đào tạo sao cho bốn đại lượng trên có trị số lớn nhất.

3. Khung năng lực dạy học tích hợp

3.1. Khái niệm

          Theo chuẩn đầu ra trình độ Đại học khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên Trung học phổ thông [1]. Sinh viên các trường sư phạm cần phấn đấu trên 8 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn được cụ thể hoá thành những yêu cầu phẩm chất, năng lực cụ thể. Tổng cộng có 38 tiêu chí; mỗi tiêu chí có yêu cầu về kiến thức và kỹ năng hoặc thái độ, hành vi đạt được, được quy định cụ thể và rõ ràng. Trong 8 tiêu chuẩn có tiêu chuẩn về năng lực dạy học tích hợp. Năng lực dạy học tích hợp của giáo viên là năng lực thiết kế chương trình, chủ đề dạy học tích hợp và tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá hiệu quả nhằm phát triển năng lực của học sinh.

3.2. Khung năng lực dạy học tích hợp

          Để có thể đáp ứng được Chuẩn nghề nghiệp, bản thân các giáo viên Hoá học tương lai cần rèn luyện năng lực trong suốt thời gian học đại học, ở tất cả các môn học và quá trình học tập rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm sau này

          Năng lực dạy học tích hợp thuộc tiêu chuẩn 4 về năng lực dạy học [1].

          Về nội dung kiến thức tích hợp:

          – Sinh viên trình bày và phân tích bản chất của dạy học tích hợp, phân tích được xu hướng dạy học tích hợp từ đó nhận ra tính tất yếu của dạy học tích hợp các khoa học ở nhà trường.

          – Sinh viên vận dụng kiến thức trong chương trình hoá học phổ thông, vận dụng phối hợp những kiến thức liên môn như vật lý, sinh học, toán học,…để chọn nội dung tích hợp phù hợp dưới dạng một bài hay một chủ đề.

          – Sinh viên biết vận dụng kiến thứcvề dạy học tích hợp để nhận xét chương trình môn học phổ thông hiện hành. Biết lập ma trận thể hiện nội dung kiến thức tích hợp trong chương trình Hoá học phổ thông.

          Về phương pháp, hình thức dạy học tích hợp:

          – Trên cơ sở nội dung kiến thức, sinh viên chọn lựa các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, biết soạn và triển khai kế hoạch dạy học tích hợp một chủ đề hay một bài cụ thể.

          – Nêu được các điều kiện để đảm bảo dạy học tích hợp

          Về kiểm tra, đánh giá trong dạy học tích hợp:

          – Kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá xác nhận.

          – Sử dụng đa dạng các công cụ kiểm tra, đánh giá như bài kiểm tra, vấn đáp, kiểm tra trực tiếp, bảng kiểm quan sát, …

4. Qui trình (biện pháp) phát triển năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên sư phạm Hoá học trường Đại học sư phạm Huế.

4.1. Giai đoạn 1: Tiếp cận lý thuyết về dạy học tích hợp

          Sinh viên cần nắm nội dung, đặc điểm, ý nghĩa và các cách dạy học tích hợp từ đó biết cách chọn nội dung và hình thức thông qua việc chọn mục tiêu tích hợp phù hợp.

Sinh viên hiểu được bản chất của kế hoạch dạy học tích hợp. Hiểu quá trình học tập có ý nghĩa bằng cách gắn học tập với cuộc sống hàng ngày, trong quan hệ với các tình huống cụ thể, hòa nhập thế giới học đường với cuộc sống.

4.2. Giai đoạn 2: Xác định mục tiêu tích hợp – Xác định ý nghĩa của dự án – Thiết bị dạy học và cơ sở tích hợp.

Ở giai đoạn này, sinh viên dựa vào các cách tiếp cận dạy học theo quan điểm tích hợp: Cách tiếp cận từ nội dung hay cách tiếp cận từ mục tiêu tích hợp mà xây dựng nhiệm vụ tích hợp, các mục tiêu cụ thể.

Sinh viên ý thức được sản phẩm hoạt động cần thực hiện và những yêu cầu cần đạt được từ đó xác định ý nghĩa thông qua dự án giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào đời sống hằng ngày. Phát triển khả năng tự tìm kiếm, chọn lọc thông tin cũng như liên kết thông tin. Những kỹ năng cần thiết như: Làm việc nhóm, trình bày thông tin, thuyết trình thông tin, phản biện… tự giải quyết vấn đề học tập …

Dự kiến cơ sở học liệu và thiết bị dạy học cần thiết như thí nghiệm, thiết bị dạy học, sách giáo khoa của các môn liên kết. Mẫu vật, video, tranh ảnh được sưu tầm về ứng dụng,bài thuyết trình, phiếu đánh giá, tờ rơi, băng rôn tuyên truyền….

4.3. Giai đoạn 3: Tổ chức lập kế hoạch. Trình bày yêu cầu về kết quả học tập

Sinh viên xác định cơ sở kiến thức, nội dung của dự án. Bộ môn khởi xướng là môn Hoá học, cần sử dụng thông tin tư liệu từ các môn như vật lý, sinh vật, địa lý và công nghệ. Đồng thời, tích hợp cả bộ môn toán và tin học mỹ thuật …

Trên cơ sở nội dung của dự án, sinh viên xây dựng các hoạt động cần thực hiện và những yêu cầu cần đạt được của các nhóm, thời gian thực hiện, phương pháp và kết quả đạt được.

4.4. Giai đoạn 4:  Xây dựng các tiêu chí đánh giá

          Các bài học với các nhiệm vụ đơn giản nội dung đánh giá bao gồm:

Về kỹ năng: Mức độ hình thành các kỹ năng của bài học. Thông qua quá trình theo dõi,giảng viên nắm bắt thao tác của từng sinh viên, sản phẩm cụ thể thu được.

Về kiến thức: Mức độ lĩnh hội các kiến thức lý thuyết mới cũng như mức độ vận dụng kiến thức đã học vào quá trình luyện tập.

Về thái độ: Giảng viên quan sát thái độ học tập của sinh viên từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối.

          Riêng đối với cách tiếp cận dạy học tích hợp thông qua dạy học theo dự án việc xây dựng các tiêu chí đánh giá phụ thuộc vào nội dung và phương pháp thực hiện dự án của các nhóm.

Ví dụ: Để đánh giá về mức độ tư duy cần xây dựng dựa trên một số cơ sở như: Xác định thông tin quan trọng; Đánh giá nguồn thông tin; Cách suy luận; Cách học tập độc lập tự chủ; Cách truyền đạt thông tin…

          Xây dựng các tiêu chí đánh giá là giai đoạn quan trọng để đánh giá đúngnăng lực mà sinh viên đã đạt được làm cơ sở thúc đẩy quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng, nhất là các kỹ năng mà sinh viên hiện nay đang còn yếu: hoạt động nhóm, sử dụng ngôn ngữ, tranh luận,…

4.5. Giai đoạn 5: Triển khai dự án và tổ chức thực hiện dự án

          Quá trình triển khai dự án theo kế hoạch và thời gian đã dự tính. Việc thu thập thông tin, thực nghiệm hay sử dụng các nguồn tài liệu liên quan tùy thuộc vào tiểu chủ đề đã được phân công. Thực tế cho thấy sản phẩm của sinh viên rất đa dạng và bất ngờ thể hiện sự sáng tạo.

Hết thời gian thực hiện, trình bày kết quả đạt được là giai đoạn không thể thiếu. Hình thức trình bày phong phú và đa dạng, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của sinh viên và cơ sở vật chất.Thông thường trình bày kết quả ngay tại lớp học. Nếu tình huống quá phức tạp thì tổ chức cho lớp học tiếp cận ngay tại hiện trường (tham quan học tập), hoặc ghi hình rồi trình chiếu trên lớp. Trong giai đoạn này những việc phải làm là:

– Trình bày tổng quát qui trình đã lập

– Kết quả sau khi đã xử lý thông tin

– Đánh giá kết quả của sinhviên dựa vào các tiêu chí đã lập.

5. Ví dụ về dự án tích hợp của sinh viên khoa Hoá học – Trường ĐHSP Huế.

5.1. Tên dán: Protein – nền tảng của sự sống, nguồn dưỡng chất thiết yếu cho con người.

5.2. Đối tượng dạy học: Học sinh lớp 12 Trung học phổ thông, chia học sinh làm 4 nhóm.

5.3. Ý nghĩa: Thông qua dự án, học sinh có thể:

          + Tổng quát kiến thức về protein trên nhiều khía cạnh khác nhau của cả 3 môn học: hoá học, sinh học, công nghệ và làm hoàn thiện hơn về mặt nội dung liên quan đến protein.

          + Tạo hứng thú học tập cho học sinh, đáp ứng nhu cầu lĩnh hội:kiến thức phải chọn lọc, toàn diện và bao quát về mọi mặt (kiến thức, kĩ năng, vận dụng, liên hệ thực tế…).

          + Làm cho quá trình học tập có ý nghĩa bằng cách gắn học tập và vận dụng kiến thức đã học vào đời sống hằng ngày để dần trang bị cho học sinh những kĩ năng sống cần thiết và có ích.

          + Có khả năng tự tìm kiếm, chọn lọc thông tin, liên kết các thông tin.

          + Có kỹ năng cần thiết như: làm việc nhóm, trình bày, thuyết trình, phản biện, thực hành. Có khả năng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề, tổ chức công việc, làm chủ thời gian.

5.4. Mục tiêu

          Học sinhnêu được: Khái niệm, thành phần, cấu trúc, tính chất vật lí của protein.Biết được một số chất khác có bản chất giống protein như: enzim, hoocmon. Ứng dụng của protein trong các lĩnh vực khác: công nghệ thực phẩm, y học,¼

          Học sinhtrình bày và giải thích: Tính chất hoá học của protein. Vai trò, chức năng của protein trong cuộc sống.

          Học sinh vận dụng: Viết được các phương trình hoá học, giải các bài tập có nội dung liên quan.

          Học sinh vận dụng tích hợp: Biết cách bảo quản, lựa chọn thực phẩm giàu protein thiết yếu cho cuộc sống thường ngày như: thịt, cá, trứng, sữa… Giải thích một số hiện tượng đơn giản trong cuộc sống: lên men rượu, làm muối dưa, sữa chua… Liên kết nội dung kiến thức của 3 bộ môn liên quan: Hoá học, Sinh học, Công nghệ để giải quyết các vấn đề đặt ra.

           Các bước thực hiện:

                 + Tìm kiếm thông tin (sách giáo khoa, mạng internet..), nắm bắt kiến thức từng bài học riêng rẽ của từng bộ môn.

                 +  Hệ thống kiến thức của từng môn, liên kết với những môn khác.

                 + Xây dựng thành một nội dung thống nhất.

                 + Liên hệ, vận dụng vào thực tế.

+ Rút ra những kĩ năng sống cần thiết.

5.5. Thiết bị dạy học, học liệu

          – Sách giáo khoa của môn liên kết trong dự án: hoá học, sinh học, công nghệ.

          – Chuẩn bị: Mẫu sữa chua, tàu hũ. Các video tự quay, video sưu tầm. Bài thuyết trình trên power point. Phiếu đánh giá.Máy chiếu.

5.6. Hoạt động và tiến trình dạy học

5.6.1. Cơ sở tích hợp

5.6. 2. Biện pháp tích hợp

          – Phân công nhiệm vụ:

          + Nhóm 1 (nhà tìm hiểu): Khái niệm và phân loại protein.

          + Nhóm 2 (nhà nghiên cứu): Vai trò và chức năng của protein.

          + Nhóm 3 (nhà sản xuất): Qui trình sản xuất một số thực phẩm giàu protein.

          + Nhóm 4 (người sử dụng): Phương pháp bảo quản và sử dụng một số thực phẩm giàu protein.

          – Kiểm tra tiến độ công việc.

Hình 2: Sản phẩm video của sinh viên nhóm 1 – Nhà tìm hiểu

5.6.4. Nghiệm thu dự án

          1. Giới thiệu lý do và ý nghĩa của dự án, thành phần tham dự buổi báo cáo.

          2. Các nhóm trình bày sản phẩm và các hoạt động của nhóm.

          3. Giáo viên nhận xét và dựa vào các tiêu chí để đánh giá sản phẩm của các nhóm.

          4. Tổng kết buổi báo cáo.

6. KẾT LUẬN

          Qua quá trình thực nghiệm cho thấy, năm giai đoạn trong qui trình phát triển năng lực tích hợp cho sinh viên sư phạm Hoá học trường Đại học sư phạm Huếđã bước đầu đạt hiệu quả, đáp ứng được năng lực dạy học tích hợp cho khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên Trung học phổ thông.Sinh viên được trang bị kiến thức về tích hợp, vận dụng phối hợp những kiến thức liên môn như vật lý, sinh học, toán họcmột cách hợp lý. Sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để xây dựng các chủ đề dạy học, biết soạn và triển khai kế hoạch dạy học tích hợp một chủ đề cụ thể, từ đó sinh viên thấy được tính tất yếu của dạy học tích hợp các khoa học tự nhiên ở nhà trường phổ thông.       

          Từ thực tế, để có những nội dung dạy học tích hợp phù hợp, phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó những kiến thức liên môn của các môn khoa học tự nhiên sẽ giúp cho sinh viên có cách nhìn nhận một vấn đề cụ thể dưới các góc độ khác nhau, giải thích và tổ chức hoạt động một cách khoa học. Ngoài ra, năng lực thiết kế bài dạy và triển khaitheo kế hoạch của sinh viêncũng rất quan trọng cần được trang bị. Vì vậy, việc đổi mới đào tạo sinh viên năng lực dạy học tích hợp khoa học tự nhiên ở các trường Sư phạm theo định hướng phát triển năng lực là rất cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển giáo dục sau năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013. Chuẩn đầu ra trình độ ĐH khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên THPT. Ban hành kèm theo thông tư số 3356/BGDĐT–GDĐH.

[2]. Đinh Quang Báo. Định hướng phát triển của các trường sư phạm. Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2013.

[3]. Nguyễn Cương, 2007. Phương pháp dạy học hoá học ở trường phổ thông và đại học. Một số vấn đề cơ bản.  NXB GD.

[4]. Đỗ Mạnh Cường, 2010. Tiếp cận năng lực thực hiện để xây dựng chuẩn nghề nghiệp về sư phạm cho giáo viên dạy nghề. Hội thảo khoa học “Dạy học tích hợp – kinh nghiệm Việt Nam và Bỉ”, dự án VN101 – APEPE.

[5]. Trần Bá Hoành, 2013. Dạy học tích hợp.Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

[6]. Nguyễn Hồng Liên, 2013. Nghiên cứu việc thể hiện quan điểm tích hợp trong chương trình sách giáo khoa, sách giáo viên môn tìm hiểu xã hội cấp tiểu học của Singapore. Đề tài Cấp Viện Mã số: V2012–01.

[7]. Xavier Roegiers, 1996. Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực tích hợp ở nhà trường? Nguyên bản tiếng Pháp – người dịch: Đào Trọng Quang, Nguyễn Ngọc Nhị. NXB Giáo dục.

[8]. Dương Tiến Sỹ, 2002. Phương thức và nguyên tắc tích hợp các môn học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tạp chí giáo dục, 26.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here