Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chuyển đổi từ nền giáo dục trang bị kiến thức sang định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, ở các trường đại học sư phạm, công tác đào tạo giáo viên vẫn có tính chất đơn môn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực dạy học tích hợp. Phát triển năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên sư phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm trong giai đoạn mới.

         Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng tích hợp vào dạy học ở trường trung học phổ thông là rất cần thiết. Vận dụng tư tưởng sư phạm tích hợp vào dạy học đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học, phát triển năng lực và khả năng vận dụng kiến thức cho học sinh. 

                  1. Dạy học tích hợp

Có nhiều quan điểm về dạy học tích hợp: Theo Từ điển tiếng Việt: “tích hợp là lắp ráp, kết nối các thành phần của một hệ thống để tạo nên một hệ thống đồng bộ”.

“Tích hợp là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống các kiến thức (khái niệm) thuộc các môn học khác nhau thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở mối quan hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập trong các môn học đó”.

Dạy học tích hợp với mục tiêu:

– Giúp cho quá trình học tập của người học thực sự có ý nghĩa, “học đi đôi với hành” bằng cách gắn học tập với cuộc sống, giải quyết vấn đề trong mối liên hệ với các tình huống thực tiễn cụ thể;

– Phân biệt được cái cốt yếu với cái ít quan trọng hơn. Cái cốt yếu là những năng lực cơ bản cần cho HS vận dụng vào xử lí các tình huống trong cuộc sống, hoặc đặt tiền đề cho quá trình học tập tiếp theo;

– Dạy học sử dụng kiến thức trong những tình huống cụ thể, thay vì nhồi nhét cho HS nhiều kiến thức hàn lâm. Dạy học tích hợp chú trọng tập dượt cho HS vận dụng kiến thức, kĩ năng vào các tình huống thực tiễn, có ích cho cuộc sống;

– Xác lập mối liên hệ giữa các khái niệm đã học. Trong quá trình học tập, HS được học những môn học khác nhau, tuy nhiên, các em cần biểu đạt khái niệm đã học trong một hệ thống, trong phạm vi từng môn học hoặc giữa các môn học khác nhau.

          Dạy học tích hợp có đặc điểm: lấy người học làm trung tâm, định hướng, phân hóa năng lực người học, dạy học các năng lực thực tiễn.

2. Cấu trúc của năng lực dạy học tích hợp

Theo chuẩn đầu ra ở trình độ đại học, ngành sư phạm đào tạo GV trung học phổ thông, chúng tôi đã xác định cấu trúc của NLDHTH gồm:

– Năng lực phân tích bản chất dạy học tích hợp:là khả năng phát hiện, trình bày, phân tích xu hướng của dạy học tích hợp ở các khoa học của nhà trường;

Năng lực thiết kế và thực hiện dạy học tích hợp:là khả năng nêu được những điều kiện đảm bảo dạy học tích hợp theo ma trận, thể hiện nội dung tích hợp. SV chọn lựa các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, biết soạn và triển khai kế hoạch dạy học tích hợp một chủ đề hay một bài cụ thể. Nêu được các nguyên tắc phát triển chương trình, quán triệt dạy học tích hợp;

Năng lực kiểm tra, đánh giá trong dạy học tích hợp:là khả năng đánh giá đa dạng,thiết kế và sử dụng các công cụ kiểm tra, đánh giá (như: bài kiểm tra, câu hỏi vấn đáp, bảng kiểm quan sát,…) để đánh giá năng lực HS.

          3. Các biểu hiện của NLDHTH

          Dựa trên cơ sở của việc xác định cấu trúc NLDHTH, đặc điểm chương trình Hóa học ở các trường đại học sư phạm, chúng tôi đã xác định các biểu hiện của NLDHTH như sau (xem bảng 1):

                                                Bảng 1. Các biểu hiện của NLDHTH

Các năng lực thành phần Các biểu hiện
Năng lực phân tích khả năng tích hợp1. Nhận ra tính tất yếu của dạy học tích hợp ở nhà trường.
2. Trình bày và phân tích bản chất, xu hướng của dạy học tích hợp.  
3. Chọn nội dung tích hợp phù hợp dưới dạng một bài hay một chủ đề.
Năng lực thiết kế và thực hiện dạy học tích hợp4. Chọn các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp. 5. Soạn và triển khai kế hoạch dạy học tích hợp.
6. Nêu được các điều kiện để đảm bảo dạy học tích hợp.
7. Thực hiện kế hoạch độc lập, sáng tạo.
Năng lực kiểm tra, đánh giá trong dạy học tích hợp8. Kết hợp các loại kiểm tra, đánh giá.
9. Sử dụng đa dạng các công cụ kiểm tra, đánh giá năng lực HS.

        4. Các biện pháp phát triển NLDHTH cho SV sư phạm Hóa học

SV sư phạm ngành Hóa học được trang bị những kiến thức chuyên môn sâu của một chuyên ngành, nắm được các phương pháp dạy học cơ bản. Tuy nhiên, họ còn thiếu những năng lực vận dụng vào tổ chức những chủ đề có tính tích hợp. Dưới đây là một số biện pháp phát triển NLDHTH cho SV sư phạm Hóa học:

          4.1. Phát triển năng lực nhận thức, cách tiếp cận lí thuyết về dạy học tích hợp. Hoạt động này được tổ chức dưới dạng hoạt động nhóm học tập. Trong buổi báo cáo, SV được cung cấp cơ sở lí luận về dạy học tích hợp, thống nhất giữa các thuật ngữ, đưa ra quy trình sơ bộ về việc xây dựng nội dung chủ đề tích hợp.

          4.2. Xây dựng một số chủ đề dạy học tích hợp:

SV phân tích bản chất, xu hướng  của dạy học tích hợp, vận dụng phối hợp những kiến thức liên môn như: vật lí, sinh học, toán học,… để chọn nội dung tích hợp phù hợp dưới dạng một bài hay một chủ đề;

– Dựa trên khung sơ bộ về con đường xây dựng các chủ đề tích hợp đã thống nhất, SV phối hợp với nhau để xây dựng chủ đề tích hợp;

Thảo luận, tư vấn: SV các nhóm báo cáo nội dung chủ đề đã xây dựng, điều chỉnh theo góp ý của các nhóm khác và giảng viên;

– Phân tích, điều chỉnh chủ đề tích hợp: Hoạt động điều chỉnh chủ đề là hoạt động quan trọng. Trong hoạt động này, các nhóm cần trả lời câu hỏi: nội dung nào trong chủ đề là phù hợp, hoạt động nào đã tổ chức đạt được hiệu quả phát triển năng lực, đem lại hứng thú cho HS trung học phổ thông. Thời lượng, thứ tự các hoạt động cần hợp lí.

           Dựa trên quá trình nghiên cứu để điều chỉnh, thống nhất quy trình xây dựng nội dung, tổ chức dạy học chủ đề tích hợp theo các bước sau:

Bước 1: Rà soát chương trình, sách giáo khoa, lựa chọn chủ đề dạy học tích hợp;

Bước 2: Xây dựng mục tiêu dạy học của chủ đề dạy học tích hợp;

Bước 3: Xác định những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề. Xây dựng nội dung các hoạt động dạy học của chủ đề, thiết bị dạy học và cơ sở tích hợp;

Bước 4: Lập kế hoạch dạy học chủ đề, dự kiến thời gian thực hiện;

Bước 5: Tổ chức dạy học và đánh giá năng lực HS trên cơ sở mục tiêu của chủ đề.

4.3. Tổ chức dạy học chủ đề tích hợp – Phát triển NLDHTH cho SV

          Ví dụ: với Chủ đề:“Silic và những ứng dụng quan trọng trong đời sống và sản xuất”.

         Bước 1. Lựa chọn chủ đề: “Silic và những ứng dụng quan trọng trong đời sống và sản xuất”.

         Bước 2: Xây dựng mục tiêu dạy học của chủ đề.

         Về kiến thức: – HS trình bày được trạng thái tự nhiên, tính chất vật lí, điều chế, ứng dụng của silic và hợp chất của silic trong đời sống; – Nêu được các hợp chất quan trọng của silic như: cát, thủy tinh, đồ gốm, xi măng có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp silicat; – Nêu được tính chất hóa học, vai trò của silic trong cơ thể con người và cây trồng.

        Về kĩ năng:-Viết được các phương trình hóa học minh họa, giải các bài tập có nội dung liên quan; – Liên kết nội dung kiến thức của các bộ môn liên quan: Hóa học, Sinh học, Vật lí để giải quyết các vấn đề đặt ra; – Phát triển kĩ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, năng lực sáng tạo; – Rèn luyện năng lực thuyết trình, năng lực thiết kế và sử dụng phương tiện dạy học hóa học, năng lực sử dụng công nghệ thông tin,…

         Về thái độ:– Thấy được tính thực tiễn và tầm quan trọng của môn học, của silic, hợp chất của silic và những ứng dụng của nó trong đời sống và sản xuất; – Kích thích sự sáng tạo của HS.

          Bước 3: Xác định những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề. Xây dựng các hoạt động dạy học của chủ đề,các thiết bị dạy học và cơ sở tích hợp (xem bảng 2, bảng 3).

                                          Bảng 2. Cơ sở tích hợp

TT Môn học Tên bài Chương (Lớp)
1 Hóa học Bài 17: Silic và hợp chất của silic. Bài 18: Công nghiệp silicat. Chương 3: Cacbon- Silic (Hóa học 11)
2 Vật lí Bài 17: Dòng điện trong chất bán dẫn Chương 1: Điện tích- điện trường (Vật lí 11)
3 Sinh học Bài 7: Các nguyên tố hóa học của tế bào và nước. Chương 1: Các dạng sống (Sinh học 10)

            Nội dung các kiến thức cơ bản cần thiết: 1) Tính chất lí – hóa, điều chế silic và hợp chất của silic; 2) Trạng thái tự nhiên, ứng dụng của silic và ảnh hưởng của silic đến đời sống; 3) Ứng dụng silic trong ngành công nghiệp silicat.

       Bước 4. Lập kế hoạch dạy học chủ đề:

Nhóm   Nội dung hoạt động Kế hoạch thực hiện Sản phẩm
Vai HS Tìm hiểu về tính chất lí –  hóa, điều chế và hợp chất của silic. Tìm hiểu tư liệu về tính chất lí – hóa, điều chế silic và hợp chất của silic. Xây dựng bài Power Point. Bài Power Point: Silic và hợp chất của silic  
Vai Thanh tra môi trường Tìm hiểu về trạng thái tự nhiên, ứng dụng của silic,  ảnh hưởng của silic đến đời sống. Tìm kiếm tư liệu và xây dựng bài Power Point về trạng thái tự nhiên của silic cùng các ứng dụng đi kèm. File Word + video về ảnh hưởng của silic đến đời sống con người. Bài Power Point: Trạng thái tự nhiên của silic. Video: Ảnh hưởng của silic đến đời sống con người
Vai các nguyên tố dinh dưỡng Tìm hiểu vai trò của silic trong Vật lí và  Sinh học   Xây dựng bài về vai trò của silic trong chế tạo pin năng lượng mặt trời. Xây dựng kịch bản về nội dung “Ai quan trọng hơn?”. Vai các nguyên tố dinh dưỡng như: C, H, O, Si. Bài Power Point: Vai trò của silic trong chế tạo pin năng lượng mặt trời, Đóng kịch:“Ai quan trọng hơn?”

     Bước 5. Tổ chức dạy học và đánh giá chủ đề.

            Khởi động: Cho HS xem video về nạn khai thác cát bất hợp pháp và hậu quả. Từ đó, giao nhiệm vụ, phân vai cho các nhóm theo phương pháp dạy học dự án.

             Hình thành kiến thức mới: Các nhóm thực hiện nhiệm vụ, xây dựng các sản phẩm của dự án.

        Luyện tập: Báo cáo dự án, thảo luận, góp ý, chỉnh sửa các sản phẩm.

       Vận dụng: Công bố kết quả dự án, đánh giá mức độ đạt mục tiêu của chủ đề dạy học.

            Giảng viên tổ chức cho các nhóm SV dạy thử nghiệm ở trường phổ thông, sau đó đánh giá chất lượng, hiệu quả của các chủ đề đã xây dựng thông qua đợt thực tập sư phạm ở trường phổ thông, từ đó, rút ra những kĩ năng cần thiết của SV. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa giảng viên và SV của các khoa Hóa học, Sinh học, Vật lí trong quá trình xây dựng và tổ chức dạy học. Thông qua hoạt động của các nhóm cho thấy, việc thiết kế các chủ đề tích hợp liên môn gắn với thực tế cuộc sống rất đa dạng và phong phú nhằm phát triển  NLDHTH cho SV sư phạm.

                                                                    ***       

            Thực tiễn nghiên cứu cho thấy, quá trình phát triển NLDHTH cho SV sư phạm ngành Hóa học thông qua việc xác định cấu trúc của NLDHTH và xây dựng các biện pháp phát triển NLDHTH là một hướng đi có tính khả thi cao. Qua đó, góp phần phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.  

          Trong dạy học hiện nay ở trường phổ thông, cần chú trọng khắc sâu kiến thức các môn học và gắn với những ứng dụng thực tiễn nhằm giúp HS biết liên hệ với cuộc sống, rút ra những kĩ năng mềm cần thiết. Để phát triển NLDHTH cho SV một cách hiệu quả, cần có một chương trình đào tạo phù hợp, hệ thống tài liệu tham khảo liên môn phong phú có liên quan đến chủ đề tích hợp, tăng cường thời lượng trải nghiệm thực tiễn, thực hành các thí nghiệm liên quan để quá trình thiết kế các chủ đề tích hợp được diễn ra một cách thuận lợi.

————————-

(1) Từ điển Tiếng Việt. NXB Văn hóa, 1993. 

(2) Trần Bá Hoành. Dạy học tích hợp. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2013.

(3) Xavier Roegiers. Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường.NXB Giáo dục, 1996.  

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here