LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHOA HÓA HỌC

THỜI KỲ ĐẦU TIÊN

          Năm 1957, cùng với sự ra đời của Viện Đại học Huế, Khoa Sư phạm trong đó có ban Lý Hoá cũng được hình thành. Trong thời gian từ 1957 đến 1967, ban Lý Hoá, tiền thân của Khoa Hoá học, nằm trong sự điều hành và quản lý chung của Viện Đại học Huế. Từ năm 1967 thầy giáo Tôn Thất Hanh phụ trách ban khoa học tự nhiên gồm có các Ban Toán, Lý Hóa và Vạn vật.

          Từ năm 1969, Ban khoa học tự nhiên được chia thành từng ban chuyên môn riêng, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ là trưởng ban Lý – Hoá cho đến năm 1975. Nhiệm vụ của ban Lý Hoá lúc đó là cùng với một số giáo sư thuộc Đại học Huế và Sài gòn đào tạo giáo viên Vật lý và Hoá học cho các trưòng Trung học phổ thông và Trung học cơ sở tại miền Nam Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng.

          Đó là những tháng năm khó ai có thể quên được: cùng với cả nước, thầy giáo và  sinh viên đều ước nguyện có một ngày gần nhất non sông thu về một mối. Công tác giảng dạy và học tập lúc bấy giờ tại Khoa Sư phạm – Đại học Huế cũng hoà quyện theo không khí của những ngày sinh viên xuống đường đòi tự do và độc lập. “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã thực sự trở thành niềm tự hào của mỗi một giảng viên và sinh viên Viện Đại học Huế nói chung và Ban Lý Hoá nói riêng.

          Trong khoảng thời gian hai mươi năm (1957-1975), ban Lý – Hoá của Đại học Sư phạm Huế đã đào tạo hầu hết giáo viên Trung học Phổ thông và Trung học cơ sở giảng dạy hai môn Vật lý và Hoá học cho toàn bộ khu vực miền Trung từ Quảng Trị trở vào. Đến nay, phần lớn giáo viên thời kỳ này đã nghỉ hưu, một số khác đang tiếp tục phụ trách chuyên môn của nhiều trường, nhiều Sở Giáo dục Đào tạo trong nhiều tỉnh thành và đã được phong tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

THỜI KỲ 15 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Đất nước thống nhất và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh lịch sử đó, Ban Lý Hoá và Trường Đại học Sư phạm Huế cũng như các Khoa và các Trường Đại học khác bước sang một trang mới với những nhiệm vụ mới to lớn hơn, nặng nề hơn và cũng vinh quang hơn.

          Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, lúc bấy giờ cơ sở vật chất của Đại học Huế nói chung và của Khoa Sư phạm nói riêng khá khang trang nhưng trang thiết bị còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy và học tập.

          Thời gian này, nhiều thầy giáo, cô giáo từ các trường Đại học ở Miền Bắc XHCN được chi viện cho vùng mới giải phóng, do đó đội ngũ giảng viên Ban Lý Hoá – ĐHSP Huế được tăng cường đông đảo hơn. Ngoài ra cũng phải kể đến sự đóng góp to lớn của nhiều thầy cô thỉnh giảng đặc biệt từ hai trường Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Hà Nội.

          Tuy nhiên do điều kiện của cuộc sống còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, các phương tiện nghiên cứu và giảng dạy còn hạn chế nên trong những năm đầu sau giải phóng Ban Lý – Hoá của khoa Sư phạm thuộc Đại học Huế vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của xã hội cũng như của ngành Giáo dục.

          Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, ngay từ năm 1976, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định cho phép thành lập Trường Đại học Sư phạm Huế. Thời kỳ này, thầy giáo – Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phú được đề cử phụ trách chung Ban Lý – Hoá. Đến năm 1977 Ban Lý Hoá được tách thành hai khoa Vật lý và Hoá học, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hữu (nguyên tổ trưởng Tổ Hoá lý, ĐHSP Hà Nội) được cử làm Trưởng Khoa Hoá học (1977-1982). Đây là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên có tầm nhìn chiến lược trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên của Khoa: tất cả cán bộ trẻ được giữ lại đều được động viên đi học tập và bồi dưỡng Sau Đại học tại các trường Đại Học có uy tín tại miền Bắc XHCN như trường ĐH Bách khoa, trường ĐHSP Hà Nội.

          Thầy Nguyễn Thế Hữu đã rất chú trọng đến vấn đề thực hành đối với sinh viên Khoa Hóa học; thầy đã mạnh dạn thành lập tổ Phương pháp giảng dạy Hóa học (1977) và trong thời gian đầu Tổ PPGD được sự cộng tác của tất cả các thầy cô thuộc các Tổ chuyên môn khác cũng như được sự hỗ trợ của nhiều thầy cô thuộc tổ phương pháp giảng dạy tại các trường ĐHSP Vinh và ĐHSP Hà Nội. Thầy Nguyễn Thế Hữu đã để lại nhiều dấu ấn hết sức tốt đẹp cho sự lớn mạnh của Khoa Hoá học ngày hôm nay. Từ năm 1982, TS Nguyễn Thế Hữu đảm đương chức vụ Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế và kể từ năm 1994 là Giám đốc Đại học Huế cho đến khi nghỉ hưu.

          Từ năm 1982 đến 1989, thầy giáo Phạm Nga giữ chức vụ Trưởng Khoa. Đời sống kinh tế lúc này tuy hết sức khó khăn, nhưng cả thầy và trò quyết tâm khắc phục trở ngại, giảng dạy và học tập theo lời Bác Hồ đã dạy  “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng quyết tâm thi đua dạy tốt và học tốt”.

          Những năm học này, thầy và trò Khoa Hoá học – Trường Đại học Sư phạm Huế đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tạo dựng và vun đắp một nền móng vững chắc để Khoa Hoá học phát triển lớn mạnh không ngừng như ngày nay.

THỜI KỲ ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI

          Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, nền giáo dục Đại học nước nhà đã từng bước phát triển. Khoa Hoá học – Đại học Sư phạm Huế đã thực sự bước vào thời kỳ phát triển mới.

          Trong thời gian từ 1989 đến 1991, Ban Chủ nhiệm Khoa gồm: TS. Lương Ngọc Thế  (Trưởng Khoa) và hai Phó Chủ nhiệm Khoa trẻ là hai thầy giáo Nguyễn Thế Long và Trịnh Đình Chính. Thời kỳ này, đội ngũ cán bộ có trình độ Sau Đại học có ý thức nâng cao trình độ để đáp ứng đuợc yêu cầu giảng dạy ở Đại học. Thầy giáo Nguyễn Khoái là người đầu tiên của Khoa Hoá học bảo vệ luận án TS trong nước được tổ chức tại trường ĐHSP Huế (1990).

          Từ năm 1991 đến 1995, TS. Lương Ngọc Thế tiếp tục là Chủ nhiệm Khoa và Phó chủ nhiệm Khoa là TS. Nguyễn Khoái. Trong giai đoạn này một số cán bộ của Khoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ là TS. Trịnh Đình Chính, TS. Nguyễn Thế Long và TS. Ngô Văn Tứ, điều này góp phần cho sự phát triển lực lượng cán bộ giảng dạy của Khoa.

          Đây là khoảng thời gian, Khoa Hoá có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều hoạt động đóng góp cho trường và cộng đồng xã hội như làm phấn viết, làm mực viết, diệt mối, giấy chỉ thị pH, sản xuất một số hóa chất thiết yếu..v..v..

          Từ 1995 đến 2004, Ban Chủ nhiệm Khoa gồm: TS. Nguyễn Khoái là Trưởng Khoa và TS. Ngô Văn Tứ là Phó Chủ nhiệm Khoa. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa càng được lớn mạnh bởi một loạt cán bộ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đại học Huế và các tổ chức quốc tế, từ năm 1995 đến năm 2000, Khoa Hoá học đã có nhiều cán bộ và sinh viên đi đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ ở Pháp, Bỉ và Đức.

          Khoa đã tổ chức giảng dạy một số giáo trình Hoá học bằng tiếng Pháp cho các nhóm sinh viên trúng tuyển vào các lớp thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Hàng năm Khoa Hoá học đón tiếp, trao đổi chuyên môn với các giáo sư người Pháp và một số sinh viên của Khoa đã được gởi sang Pháp đào tạo sau khi tốt nghiệp.

          Thực hiện chủ trương của Đại học Huế và trường Đại học Sư phạm nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho đất nước, Khoa Hoá đã tuyển sinh và đào tạo bậc tiến sĩ Hóa lý – Hóa lý thuyết và thạc sĩ cho hầu hết các chuyên ngành hóa học.

          Từ năm 2004 đến 2009, TS. Trịnh Đình Chính là Trưởng Khoa và TS. Lê Văn Dũng là Phó Trưởng Khoa. Thời kỳ này tốc độ tăng trưởng của Khoa được nhân lên với số lớp sinh viên tại trường cũng như các lớp liên kết đào tạo nhiều hơn tiếp tục khẳng định vị trí của Khoa Hóa – ĐHSP Huế. Năm 2006, Khoa Hóa chúng ta vui mừng, đồng lòng chung sức đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic Sinh viên Hóa học toàn quốc lần thứ IV tại ĐHSP Huế. Kỳ thi nầy có một ý nghĩa hết sức to lớn vì đây là lần đầu tiên có một kỳ thi Olympic Hóa học có tính thống nhất toàn quốc với số lượng đoàn tham gia đông nhất. Kỳ thi được tổ chức có tính trang trọng, nghiêm túc và hiệu quả nhất. Trong kỳ thi này, Khoa Hoá học, trường ĐHSP Huế đạt giải ba toàn đoàn, xếp sau Đại học KHTN Hà Nội và ĐHSP Hà Nội. Khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

          Từ thành công của kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc tại Huế, Hội Hóa học đã đi đến kết luận sẽ chỉ tổ chức hai năm một lần kỳ thi Olympic Hóa học SV toàn quốc tại một địa điểm duy nhất.

          Từ 2009 đến 2014, TS. Trần Dương là Trưởng Khoa và ThS. Trương Vận là Phó Trưởng Khoa. Từ 2014 đến nay, TS. Trần Dương là Trưởng Khoa và TS. Lê Quốc Thắng là Phó Trưởng Khoa. Giai đoạn này đánh dấu một bước phát triển mới của Khoa. Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa Hóa được trang bị thêm hai phòng thí nghiệm là phòng thí nghiệm Phân tích công cụ và phòng thí nghiệm Phương pháp giảng dạy với trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao công tác nghiên cứu khoa học và việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Một số cán bộ trẻ được đưa đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài như Pháp, Áo theo các chương trình liên kết hoặc tại các Viện và Trường đại học có uy tín trong nước. Sự phấn đấu của lực lượng cán bộ giảng dạy của Khoa được ghi nhận với 04 phó giáo sư được phong, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp từ đề tài NAFOSTED, cấp Bộ, cấp Đại học Huế, Trường,… cùng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học độc lập của sinh viên được triển khai. Một số nghiên cứu sinh được đào tạo tại Khoa đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Qua 60 năm – Khoa Hoá học đã đào tạo được hàng ngàn sinh viên chính quy và tại chức, hiện đang công tác trên mọi miền đất nước. Điều đáng mừng là trong hơn 25 năm đổi mới, Khoa đã đào tạo được 23 Khoá Cao học, với hàng trăm học viên, là cán bộ ở các trường Đại học, Cao đẳng, các Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam bộ với các chuyên ngành: Hoá lý, Hoá Vô cơ, Hoá Phân tích,  Hoá Hữu cơ, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Hoá học.

          Hiện nay, với những đòi hỏi mới, đội ngũ có 1 Giáo sư,  Phó giáo sư đã tăng lên 5/25, tiến sĩ đã tăng lên 8/25 cán bộ giảng dạy. Đó là một tỉ lệ cao so với đội ngũ CBGD của cả nước. Khoa Hóa học khuyến khích sự tìm tòi các nguồn học bổng để các cán bộ trẻ có điều kiện tu nghiệp nâng cao trình độ… Bên cạnh đó, Khoa Hóa học cũng đang chú ý bồi dưỡng một đội ngũ CBGD trẻ với những bước quyết định hết sức chắc chắn nhằm tạo được đội ngũ có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng ngoại ngữ tốt để có thể thay thế các thầy cô giáo lớn tuổi trong tương lai và đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong giai đoạn hội nhập, tạo được sự bình đẳng trong khu vực và quốc tế…

          Khoa Hoá học – ĐHSP Huế đang bước vào thời kỳ có những thay đổi mới: về chương trình đào tạo, về phương pháp giảng dạy, về phương pháp đánh giá… và phương thức đào tạo theo hệ tín chỉ cũng đang được áp dụng. Hy vọng trong tương lai gần, Khoa Hoá sẽ phát triển nhanh và vững chắc hơn nữa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here